Tôn vinh danh nhân – Khẳng định bản sắc

Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa kế thừa được truyền thống và sáng tạo những giá trị mới, những di sản của các danh nhân để lại cũng là hành trang cho các thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy. Việc tôn vinh các danh nhân cũng là một nét khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tôn vinh danh nhân - Khẳng định bản sắc
Tôn vinh danh nhân – Khẳng định bản sắc

1/Vừa qua, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tổ chức tại thành phố Thái Bình, GS, TS Nguyễn Văn Kim, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhận xét về nhà bác học Lê Quý Đôn: “Học vấn uyên bác của ông đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong giới học giả đương thời. Tinh thần khoa học, độ chân xác, khách quan của các công trình khảo cứu và lượng tri thức phong phú đã khẳng định vị thế, giá trị trường tồn, xuyên – liên thời gian của các tác phẩm”. Lê Quý Đôn (1726-1784) đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát mọi mặt của đời sống xã hội. Các tác phẩm tiêu biểu như “Quần thư khảo biện”, “Thư kinh diễn nghĩa”, “Vân Đài loại ngữ”, “Phủ biên tạp lục”, “Lê triều thông sử”, “Kiến văn tiểu lục”, “Bắc sứ thông lục”… đã khẳng định ông là nhà bách khoa hiếm có. Di sản của ông vẫn đang được nghiên cứu và trích dẫn, kế thừa. Chúng ta đang xây dựng hồ sơ đề xuất UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 300 năm sinh (1726-2026) nhà bác học xuất chúng Lê Quý Đôn. Việc tổ chức lễ kỷ niệm này không chỉ khẳng định bảo tồn giá trị di sản ông để lại mà còn định hướng phát huy những giá trị cần kế thừa mà ông đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam cùng với các dân tộc khác trong khu vực.

2/Đến nay, UNESCO đã thông qua Quyết nghị cùng kỷ niệm 7 danh nhân Việt Nam: 600 năm sinh Nguyễn Trãi (năm 1980); 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990); 250 năm sinh Nguyễn Du (năm 2015); 650 năm mất Chu Văn An (năm 2019); 200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021); 250 năm sinh và 200 năm mất Hồ Xuân Hương (năm 2021), gần đây nhất là 300 năm sinh Lê Hữu Trác (năm 2023). Những cuộc kỷ niệm các danh nhân được UNESCO đồng tổ chức càng tăng thêm tình cảm tự hào, tinh thần học hỏi, kế thừa các bậc hiền nhân ở Việt Nam và làm tăng thêm hiểu biết về họ trong khu vực và cả toàn cầu. Lịch sử không chỉ là các sự kiện, những mốc thời gian, những con số thống kê mà lịch sử còn có những con người cùng góp phần tạo ra những sự kiện đó. Lịch sử sinh động và không vô nhân xưng bởi vì chính và chỉ con người làm nên lịch sử. Các cá nhân xuất chúng làm cho lịch sử sinh động và trở nên đáng xem, đáng học. Mỗi người Việt Nam, từ khi sinh ra đã được thừa hưởng niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc suốt hàng nghìn năm. Khi còn nằm trong nôi đã được mẹ ru, bà kể chuyện Vua Hùng, chuyện Thánh Gióng, chuyện Hai Bà Trưng, Bà Triệu… rồi lớn lên được nghe kể về nhiều tấm gương của các danh nhân. Chúng ta học đức nhân của Nguyễn Trãi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Chúng ta học tập tinh thần khảng khái lo cho xã tắc của người thầy Chu Văn An, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu. Chúng ta cảm thụ tinh thần nhân văn của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, lòng yêu thương con người của danh y Lê Hữu Trác… Hôm nay mỗi tấm gương sáng của tiền nhân vẫn cho chúng ta những giá trị tinh thần quý báu. Những di sản tinh thần đó cũng là một trong những yếu tố khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hình thức kỷ niệm những sự kiện lịch sử và các nhân vật kiệt xuất của thế giới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và nhân văn được UNESCO cùng tổ chức với các quốc gia thành viên với mong muốn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa các dân tộc, sự khoan dung và lý tưởng hòa bình, đối thoại văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

3/Nhìn về phía trước, để có sự phối hợp của UNESCO trong Lễ kỷ niệm 300 năm sinh Lê Quý Đôn, cần xây dựng hồ sơ danh nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đề ra. Lễ kỷ niệm Lê Quý Đôn cần phù hợp với tầm vóc và xứng đáng với sự đóng góp của ông – không chỉ thể hiện trong hồ sơ đề xuất, mà còn trong chính các hoạt động sẽ thực hiện, tổ chức ở phạm vi tiểu vùng, khu vực hoặc quốc tế. Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa: “Theo quy định của UNESCO, báo cáo của sự kiện phải được gửi tới UNESCO trước khi chúng ta gửi hồ sơ đề xuất tiếp theo. Để bảo đảm hồ sơ đề xuất được UNESCO thông qua, đồng ý phối hợp tổ chức, còn phải có Báo cáo hoạt động chi tiết về kết quả và tính hữu ích đối với Việt Nam và với UNESCO của sự kiện kỷ niệm 300 năm sinh Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023)”. Quy định này của UNESCO nhằm để quốc gia thành viên khẳng định tầm quan trọng của danh nhân cũng như trách nhiệm tổ chức sự kiện liên quan tới danh nhân – không chỉ trước và trong khi đề xuất hồ sơ mà cả sau khi hồ sơ đã được thông qua. Chúng ta đang đồng thuận tuân thủ lộ trình đó “với một sự đoàn kết trí tuệ và tinh thần với tầm nhìn của toàn nhân loại và lấy đó làm nền tảng để vun đắp cho một nền hòa bình vững chắc” – như mục đích hướng tới của UNESCO, và sau Lê Quý Đôn sẽ còn nhiều danh nhân văn hóa Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi danh và cùng tôn vinh.

Nguồn: nhandan.vn

Đặt câu hỏi tại đây