Chiêm ngưỡng di sản quý hiếm của dân tộc Thái giữa lòng Hà Nội

Bộ sưu tập đồ vải quý hiếm của đồng bào dân tộc Thái tại trưng bày “Nà pha-Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An” đã đưa đến cơ hội cho công chúng Thủ đô cơ hội chiêm ngưỡng những di sản vô giá của dân tộc Thái Nghệ An ngay giữa lòng Hà Nội.

Không gian văn hóa thú vị giữa lòng Hà Nội
Không gian văn hóa thú vị giữa lòng Hà Nội

Ngày 18.10, trưng bày “Nà pha-Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An” đã khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giới thiệu bộ sưu tập đồ vải quý hiếm của đồng bào dân tộc Thái. Trưng bày giới thiệu 190 tấm mặt chăn (nà pha), trong đó có tới 101 hiện vật đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong không gian đậm sắc màu văn hóa tại tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trưng bày “Nà pha – Nghệ thuật trang trí hoa văn của Người Thái Nghệ An” mở ra cánh cửa khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử hiếm thấy trên những hiện vật quý giá của sưu tập đồ dệt, thêu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái ở Nghệ An.

Trưng bày giới thiệu 190 tấm mặt chăn (nà pha), trong đó có tới 101 hiện vật đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
Trưng bày giới thiệu 190 tấm mặt chăn (nà pha), trong đó có tới 101 hiện vật đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Trưng bày giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm. Các tấm nà pha được sưu tầm trong khoảng thời gian những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng (nhóm Tày Mường) ở miền tây tỉnh Nghệ An.

TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm đã có nhiều hợp tác đồng điệu giữa văn hóa, khoa học và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu trải nghiệm của khách tham quan.

Bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm
Bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm

“Lần này, chúng tôi cùng nhau giới thiệu bộ sưu tập đồ dệt, thêu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Đây cũng là bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Việc hợp tác công tư về văn hóa này cũng là một chủ trương mà UNESCO luôn đề cao, khuyến khích. Qua đó, chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật và nhận thức để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của người Thái nói riêng và các tộc người của Việt Nam và trên thế giới.”, TS. Bùi Ngọc Quang chia sẻ.

190 tấm nà pha này được lựa chọn trong nhiều tấm đã được Công ty Trúc Lâm sưu tầm từ những năm 90 của thế kỷ trước tại vùng người Thái Trắng ở miền tây Nghệ An.
190 tấm nà pha này được lựa chọn trong nhiều tấm đã được Công ty Trúc Lâm sưu tầm từ những năm 90 của thế kỷ trước tại vùng người Thái Trắng ở miền tây Nghệ An.

Theo ông Quang, bộ sưu tập dày dặn này cho thấy Công ty Trúc Lâm không chỉ sản xuất, kinh doanh mặt hàng handmade mà còn rất chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản những di sản văn hóa của dân tộc. Điều này khẳng định một quan điểm/lối đi – “làm kinh tế để nuôi văn hóa” là rất hợp lý, hiệu quả và đáng trân trọng.
Thông điệp văn hóa trong những tấm Nà Pha
Nà pha được dùng làm vỏ chăn, của hồi môn cho cô dâu làm quà tặng khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết…
Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, nà pha thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái Nghệ An.

Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, nà pha thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái Nghệ An
Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, nà pha thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái Nghệ An

Hầu hết các tấm nà pha trong bộ sưu tập có khổ rộng 40 cm, được dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông.
Các hoa văn trang trí thường được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ, với phong cách chủ yếu là tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính: động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên.

18

Trong trưng bày, các tấm nà pha được trang trí nhiều hoa văn động vật trên cạn và dưới nước. Ngoài được thêu trên mặt chăn, loại hoa văn này cũng xuất hiện khá phổ biến trên chân váy của người Thái.
Trong số các loài động vật trên cạn, phổ biến nhất là hình hươu, nai, voi, ngựa, chim công, bướm, gà và rồng cạn. Đối với động vật dưới nước, hình ảnh rồng nước với nhiều biến thể là chủ đạo.

Các hoa văn động vật đều có ý nghĩa biểu tượng riêng. Chẳng hạn, rồng tượng trưng cho sức mạnh, kết hợp cả yếu tố lành và dữ; voi đại diện cho lòng trung thành; hươu, nai và chim công biểu trưng cho vẻ đẹp; còn ngựa tượng trưng cho sự tự do.

09

Hoa văn hình thực vật cũng có trên các nà pha của trưng bày này. Đây cũng là loại hoa văn xuất hiện phổ biến trên mặt chăn và chân váy, bao gồm các loài hoa, quả rừng, hạt, cây cỏ, đót dừa, lá cau, rau dớn, rau bợ. Với niên đại từ 30- 90 năm, bộ sưu tập này được xem là một trong những di sản đồ vải quý hiếm còn sót lại. Không chỉ phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái, bộ sưu tập còn mang giá trị lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tính thẩm mỹ của người Thái qua việc thể hiện màu sắc và hoa văn độc đáo, tinh tế.
Bà Vũ Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm chia sẻ: “Bắt đầu từ những năm 1990, chúng tôi đã dành nhiều công sức để sưu tầm, bảo quản và gìn giữ bộ sưu tập này. Trong mỗi tấm mặt chăn, mỗi hoa văn, là cả một câu chuyện về văn hóa, cuộc sống và tâm hồn của người Thái. Chúng tôi tin rằng, qua trưng bày này, công chúng sẽ có cơ hội cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế trong từng đường nét hoa văn trên mỗi tấm nà pha, và từ đó thêm trân trọng hơn các giá trị văn hóa dân tộc.”

Đặt câu hỏi tại đây