Đắk Lắk phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, văn hóa

Xác định du lịch sinh thái, văn hóa là thế mạnh, tỉnh Đắk Lắk đã và đang có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Qua đó, giữ vững tốc độ tăng trưởng trong ngành du lịch hàng năm.

Có dịp đến với Đắk Lắk, nhiều du khách cho rằng ngành du lịch địa phương mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn trọng thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững. “Tôi đến đây thì cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa vùng miền ở Buôn Ma Thuột, một thành phố vừa hiện đại, vừa cổ kính, mang nhiều bản sắc dân tộc”… “Cái hay ở Đắk Lắk là phát triển du lịch nhưng gần như không phá vỡ cảnh quan, địa hình địa thế có sẵn, tức là khai thác bền vững”.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết Đắk Lắk đã xác định thế mạnh của mình là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Với 49 dân tộc cùng sinh sống cũng là một thế mạnh tạo ra lợi thế so sánh cho Đắk Lắk với các địa phương khác, tạo ra nhiều sản phẩm hơn để thu hút khách đến với địa phương.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk

Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành đề án về phát triển du lịch, đây là cơ sở để các ngành, các địa phương tập trung triển khai phát triển 3 trụ cột chính về du lịch, gồm có thành phố Buôn Ma Thuột, Lắk và Buôn Đôn. Các huyện, thị xã xung quanh sẽ là các vệ tinh hoạt động hỗ trợ, xây dựng các chương trình, các tour tuyến.

Đắk Lắk nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng cam kết với UNESCO về bảo tồn cồng chiêng. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về cồng chiêng, nghị quyết hỗ trợ đồng bào các thôn, buôn phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung các nguồn lực, các dự án, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy có trọng điểm về du lịch để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển sản phẩm du lịch.

Hàng năm, tốc độ tăng trưởng về du lịch, cả thu nhập từ du lịch và khách du lịch tại Đắk Lắk đều vượt khoảng từ 10 – 15%, kể cả khách nội địa và khách quốc tế. Mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 vượt so với kế hoạch đề ra.

Cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm là những điểm mạnh của Đắk Lắk trong phát triển du lịch
Cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm là những điểm mạnh của Đắk Lắk trong phát triển du lịch

Giới thiệu bản sắc riêng của địa phương

Định hướng phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk đặt ra vấn đề liên kết, hợp tác với các địa phương, thì tỉnh tập trung chọn những địa phương có thế mạnh du lịch  và có đường bay nối với Đắk Lắk. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã hợp tác với 14 tỉnh, thành phố và một hiệp hội tại khu công nghiệp ở TP.HCM. Chính vì có hợp tác, liên kết nên trong các chương trình xúc tiến quảng bá thì các bên cùng xây dựng những chương trình tập trung phát huy sức mạnh của biển với rừng.

“Đối với thị trường khách quốc tế, Đắk Lắk thông qua các đầu mối như Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để thu hút khách đến với tỉnh. Chủ động kết nối, tham gia các sự kiện ngoại giao để quảng bá hình ảnh, thế mạnh về văn hóa, con người Đắk Lắk đến với các địa phương”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết.

Cộng đồng 49 dân tộc cùng sinh sống tạo cho Đắk Lắk sự đa dạng về văn hóa
Cộng đồng 49 dân tộc cùng sinh sống tạo cho Đắk Lắk sự đa dạng về văn hóa

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng định hướng cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng sản phẩm mới dựa trên gốc văn hóa để tạo sự mới mẻ, khác biệt. Nâng cao chất lượng về quản lý nhà nước, tổ chức đào tạo, tập huấn cho nguồn nhân lực tại địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đẩy mạnh hoạt động của hiệp hội du lịch, thành lập các chi hội ngành nghề trực thuộc hiệp hội, phát huy thế mạnh của các lĩnh vực khác, thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch hoặc giải thể thao mà Đắk Lắk đăng cai để thu hút khách đến với địa phương.

Trong tháng 10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đăng cai hội nghị đánh giá quá trình liên kết hợp tác, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác trong giai đoạn mới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cũng sẽ thành lập thêm 2 chi hội nữa, là chi hội Khách sạn – ẩm thực và chi hội Lữ hành, phát huy thế mạnh phát triển du lịch tại địa phương.

Nguồn: Theo Báo điện tử VOV

Đặt câu hỏi tại đây