Tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2035”, do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định rằng, hoạt động xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn đối diện với nhiều hạn chế.
Câu hỏi đặt ra là, với cơ chế, chính sách đang có đã thực sự thúc đẩy, thu hút được các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho văn hóa, nhất là với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật?
Nhiều “rào cản” trong huy động các nguồn lực
Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, hoạt động xã hội hóa ngày càng trở nên thực tiễn và đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo tàng, di sản văn hóa, thư viện, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn. TP.HCM sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ các khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố, đồng thời huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bà Thúy cũng chỉ ra rằng TP.HCM vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa, bao gồm cả lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Lực lượng lao động hiện chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng và chuyên môn phù hợp để vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức, kinh doanh trong thời đại công nghệ. Hạ tầng cơ sở vật chất, các tổ hợp giải trí đa chức năng và thiết chế hiện đại đạt chuẩn quốc tế vẫn còn thiếu. Vi phạm bản quyền và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng chia sẻ rằng mặc dù việc huy động nguồn lực tài trợ cho nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM đang có những tiến triển tích cực, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Ông Sơn chỉ ra rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tư nhân nhận thức được vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng cộng đồng và hình ảnh thương hiệu. Họ có xu hướng đầu tư vào các hoạt động văn hóa để đóng góp vào sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, việc kết nối giữa nghệ sĩ và doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thiếu sự hợp tác trong việc đề xuất và thực hiện các dự án nghệ thuật. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng cũng là một giải pháp quan trọng. TP.HCM có một cộng đồng đa dạng, thu nhập bình quân đầu người cao và sẵn sàng chi tiêu cho nghệ thuật. Dù vậy, một bộ phận cư dân vẫn chưa nhận thức rõ giá trị của nghệ thuật biểu diễn và chưa thấy được tầm quan trọng của việc hỗ trợ nghệ thuật.
“Thời gian qua TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, tuy nhiên dường như địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn để nâng cấp, phát triển sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, cơ chế chính sách với nguồn nhân lực, không chỉ là “điểm nghẽn” mà còn là thách thức, lực cản đối với sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, trong đó nguồn lực XHH bị “kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật.”
(Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL)
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL), việc huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng phụ thuộc nhiều vào khung pháp lý. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều luật liên quan đến văn hóa, bao gồm cả nghị định về nghệ thuật biểu diễn, nhưng các quy định này chưa cụ thể về việc khuyến khích nguồn lực xã hội. Thay vào đó, các chính sách phải dựa vào những luật chuyên ngành khác như thuế, đất đai và đầu tư. Gần đây, Nghị quyết số 98 đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM, khai thác tối đa các nguồn lực để thúc đẩy bứt phá. Tuy nhiên, quá trình huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt thông qua các dự án đối tác công tư (PPP), vẫn còn trong giai đoạn thí điểm và cần sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan Trung ương.
Ông Sơn cũng nhận xét rằng TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật và lễ hội trong thời gian qua, nhưng địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm văn hóa đặc trưng. Sự thiếu đồng bộ giữa hạ tầng, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực không chỉ là “điểm nghẽn” mà còn là thách thức lớn, cản trở sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật tại thành phố. Trong đó, nguồn lực xã hội hóa bị hạn chế chủ yếu do các rào cản từ chính sách pháp luật.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024 (HIFF), được tổ chức thành công thông qua việc huy động nguồn lực XHH. Trong ảnh: Chương trình giao lưu và chiếu phim ngoài trời trong khuôn khổ HIFF
Tạo môi trường thúc đẩy và hỗ trợ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam), để thu hút nguồn lực phát triển và thu hút khán giả, nghệ thuật truyền thống cần tìm cách cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí. Cùng với đó, cần có một kế hoạch đầu tư dài hạn để phát triển nội dung nghệ thuật truyền thống theo xu hướng hiện đại.
Ông cũng nhấn mạnh rằng cần xây dựng chiến lược marketing và truyền thông chuyên nghiệp, biến các hoạt động văn hóa, giải trí và nghệ thuật thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân. Đẩy mạnh đầu tư theo mô hình đối tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa nghệ thuật đồng bộ theo chiến lược dài hạn, đặc biệt là chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền và đón đầu xu hướng số hóa. Điều này sẽ giúp tạo nguồn thu thụ động từ các nền tảng số, từ đó có thêm kinh phí để tái đầu tư vào các hoạt động nghệ thuật. Ông cũng nhắc lại rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện để các sự kiện văn hóa nghệ thuật xã hội hóa có thể tham gia thị trường và khai thác thương mại, việc tôn trọng bản quyền là một yếu tố quan trọng để duy trì uy tín và hình ảnh trong lòng công chúng. Ông cũng đề cập đến bài học rút ra từ sự cố “đường lưỡi bò” trong concert BlackPink tại Việt Nam năm ngoái.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng để khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho nghệ thuật biểu diễn, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà tài trợ. Ông cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn, đồng thời xây dựng mạng lưới kết nối giữa nhà tài trợ và nghệ sĩ. Việc này sẽ tạo nên một cộng đồng nghệ sĩ đoàn kết, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này, cần có sự hợp tác từ cộng đồng, doanh nghiệp và nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng chính sách pháp luật là yếu tố then chốt để huy động nguồn lực xã hội hóa trong nghệ thuật. Đối với TP.HCM, cần tập trung vào hạ tầng, môi trường sáng tạo, chính sách và nguồn nhân lực để triển khai đồng bộ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng chia sẻ rằng, trên cơ sở những ý kiến và đề xuất từ chuyên gia, các đơn vị sẽ tham mưu cho UBND và HĐND TP.HCM ban hành các chính sách thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật trong thời gian tới.
Nguồn: baovanhoa.vn